CẢM NGHIỆM CHUYẾN TÔNG ĐỒ VÙNG TÂY NGUYÊN

  
CẢM NGHIỆM CHUYẾN TÔNG ĐỒ VÙNG TÂY NGUYÊN.
“Nếu trong tủ lạnh nhà bạn có thức ăn, bạn được ăn mặc tử tế,
 bạn có 1 mái nhà và 1 cái giường êm ấm, bạn đã giàu có hơn 75% nhân loại”
.
Đúng vậy, tôi đã trải nghiệm được điều này rất rõ khi đến với đồng bào dân tộc tại Lâm Hà - Lâm Đồng trong chuyến đi tông đồ đầy ý nghĩa với hai mục đích: Thăm và chúc tết gia đình của các Cha, các Thầy, các Soeur và một số bạn sinh viên của Dòng Đức Mẹ Lên Trời; Và hơn hết là mang đến cho người dân tộc vùng cao một chút hơi ấm cho ngày Tết Cổ Truyền sắp tới.

Xuất phát từ 13h chiều ngày 10/01, chúng tôi gồm: Cha Phê-rô Lê Viết Thắng, chị Phương Anh, anh Hoan (giáo dân giáo xứ Hàng Xanh), Sr Giang, Thầy Thọ, Thầy Thái, Thầy Sinh, Thầy Thành và 7 bạn sinh viên ở các lưu xá. Đầu tiên, chúng tôi đi lên vùng Bảo Lộc và Lộc Nga, nơi mà các bậc sinh thành của nhiều ơn gọi Dòng Đức Mẹ Lên Trời đang sinh sống. Ở đây, chúng tôi thực sự cảm nhận được sự hi sinh lớn lao của các ông bà cố. Dù phải sống trong cảnh thiếu thốn, dù có phải xa con cái, nhưng các ngài vẫn sẵn sàng dâng hiến cho Chúa và chấp nhận hy sinh trong niềm hạnh phúc thật sự. Chúng tôi được gia đình các thầy tiếp đón rất ân cần không chỉ bằng những “đặc sản quý hiếm” vùng cao, mà còn cả bằng tình yêu thương trìu mến.
 Trên đường lên Lâm Hà – đích đến của việc tông đồ, đoàn chúng tôi có ghé thăm Đà Lạt, thăm thú cảnh thiên nhiên và không quên lời dặn của Cha Thắng là mua đặc sản về cho các bạn sinh viên trong dịp tất niên sắp tới. Hầu hết mọi người đều chưa một lần đặt chân lên thành phố hoa nên trong lòng rất chộn rộn và bị bất ngờ với cảnh trời đầy sương và hoa. Dù chỉ là ghé qua trong chốc lát nhưng tất thảy đều cảm thấy rất vui với cảnh thiên nhiên đầy thơ mộng.
Lâm Hà, 20h tối ngày 11/01, sau bữa tối tại nhà chị gái của Thầy Sinh, chúng tôi vào làng Fijuit giao lưu với Giáo lý viên và thiếu nhi vùng dân tộc Mạ, M’nông. Buôn làng này có khoảng 30 hộ gia đình Công giáo. Tại đây, chúng tôi được tiếp đón một cách đơn sơ và nồng hậu với một bình rượu cần và hai con gà nướng thật “bự”. Trước đống lửa hồng, các bạn gái bản làng biểu diễn những tiết mục mang đậm bản sắc Tây nguyên và các giai điệu rất tình tứ. Nhưng dường như các em vẫn còn “bẽn lẽn” trước những người xa lạ như chúng tôi. Tuy nhiên, các em cũng bắt nhịp được với chúng tôi qua việc sinh hoạt, nhảy múa… Đêm lửa trại kết thúc vào 22h.
Sau Thánh Lễ Chúa nhật, chúng tôi lên đường vào buôn làng Fijuit và Đam Pao, dân làng ở đây chủ yếu là người Sting. Nhờ sự giúp đỡ của nhóm giáo lý viên dân tộc, hơn 100 phần quà được chúng tôi trao đến tận tay từng gia đình có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn. Một hình ảnh khiến tôi không thể nào quên được là anh Y Chuyên, bị mìn nổ dưới suối từ 18 năm trước, nằm một chỗ với thân hình tàn tạ cứ run lên. Gia đình anh nghèo xác xơ, ngày ngày vẫn lo kiếm từng đồng xu để mua thuốc cho anh. Chúng tôi chỉ biết ái ngại thăm hỏi và cầu chúc anh bớt đi phần nào nỗi đau về thể xác.
Chiều đến, chúng tôi vào vùng sâu làng Gan Thy, Lô Đức và Thực Nghiệm của giáo xứ Nam Ban, cách làng Fiịuit khoảng 30 Km. Khi đến nơi, bà con vùng dân tộc đã tập trung đầy đủ. Hầu như mọi người đứng từ xa, mắt nhìn xuống, không vồn vã, không ồn ào…. Có lẽ họ cảm thấy xa lạ với người “Sài Gòn”. Chúng tôi vô tình đến nỗi không biết rằng họ đang chờ đợi một điều gì đó. Chúng tôi chỉ vô tư cười nói với nhau và làm việc của chúng tôi mà không hề mảy may nghĩ tới chuyện hỏi han. Các em thiếu nhi cũng vậy, chỉ lặng lẽ xúc đầy những bao cà phê trong sân. Mới 3, 4 tuổi đầu mà các em đã phải làm việc. Chân tay mặt mày đen một màu đen của nắng của gió của đất trời. Khi chúng tôi lại gần phụ việc thì mấy em đột nhiên lặng lẽ đi chỗ khác, khiến tôi băn khoăn, khó hiểu. Đến lúc lại gần một bé, nó hốt hoảng khóc ré lên, tôi ngẩn người hỏi các chị thì được trả lời: “Con nít ở đây sợ người Kinh lắm, mỗi lần làm nũng bị dọa cho người Kinh bắt là nín ngay”. Hóa ra là thế. Hóa ra là giữa anh em chúng ta vẫn còn khoảng cách rất xa vời. Khi chúng tôi tiếp xúc với người dân tộc khác, chúng tôi cũng rất e dè, chỉ cần họ vồn vã, ân cần với mình là chúng tôi rất lo lắng. Vậy mà, họ còn sợ chúng tôi nhiều hơn. Điều khiến tôi day dứt là làm sao để lấp đầy khoảng cách này đây?
Nhìn ánh mắt rạng rỡ cùng đôi chân lon ton đến nỗi quýnh cả lên của các chị em dân tộc lúc nhận quà khiến chúng tôi vừa xót xa vừa thương cảm. Và để thể hiện lòng biết ơn, các chị bẽn lẽn trao lại vào cổ chúng tôi những chiếc vòng cườm tự kết cùng câu nói “Ừn ngài”(cảm ơn); nhìn các em thơ, co ro trong manh áo xộc xệch, mỏng manh nhưng quá cỡ so với thân hình bé nhỏ, sống mũi tôi chợt cay cay. Lòng tự hứa khi trở về Sài Gòn sẽ làm  một điều gì đó, để mùa hè tới sẽ đưa đến cho các em những tấm áo dày hơn, những thứ đồ chơi đẹp và cả bánh và sữa nữa, để các em có một tuổi thơ như những đứa trẻ khác.
Chuyến tông đồ để lại trong chúng tôi biết bao dư vị, bao tình mến thương và cả bao dự định. Cho đi ít ỏi, nhưng chúng tôi đã nhận lại quá nhiều. Tây Nguyên ơi, không dám hẹn trước, nhưng nhất định tôi sẽ trở lại, bằng một tâm hồn đầy nhiệt huyết và yêu thương nhiều hơn.

Cecilia Hoan, Urs

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét